Cập nhật: ngày 15/11/2013
KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ XUÂN NĂM 2014
1. Đặc điểm tình hình
a) Tình hình thời tiết: Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vụ xuân năm 2014 có một số đặc điểm nổi bật như sau:
Nhiệt độ trung bình toàn mùa Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ. Đợt rét đậm đầu tiên có khả năng xuất hiện muộn hơn so với TBNN (khoảng cuối tháng 12/2013 đến đầu tháng 01/2014). Các đợt rét đậm, rét hại có khả năng xảy ra tập trung trong tháng 1 và tháng 2/2014. Lượng mưa các tháng phổ biến ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn một ít so với TBNN.
Trong các tháng chính của vụ Đông Xuân 2013 – 2014 là mùa khô, do vậy cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn.
b) Giá giống, giá phân bón, thuốc BVTV khả năng vẫn ở mức cao; đặc biệt là giống lúa lai, ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất của nông dân.
c) Thuận lợi:
Giá nông sản (lúa, ngô, đậu tương…) đang tăng có lợi cho người sản xuất.
Năm 2014 (Giáp Ngọ), tiết Lập Xuân ngày 04/2/2014 (tức ngày Mồng 5 tết Nguyên Đán) sẽ thuận lợi cho việc thực hiện thời vụ cấy lúa xuân.
Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, BVTV; nhiều mô hình đã được khẳng định trong thực tiễn sản xuất giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế.
Qua nhiều năm ứng phó với diễn biến thời thiết phức tạp trong vụ Xuân, các cấp, các ngành và nông dân đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và sản xuất.
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thuỷ lợi thường xuyên được tăng cường bổ sung. Các trạm bơm được sửa chữa, tu bổ, nâng cấp. Các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt chiến dịch làm thuỷ lợi mùa khô, nạo vét, khơi thông kênh mương nội đồng.
2. Kế hoạch sản xuất vụ xuân 2014
Tổng diện tích gieo trồng phấn đấu đạt 126.800 ha, bao gồm:
Lúa: diện tích: 102.000ha (xuân 2013: 102.324 ha), năng suất 61,2 tạ/ha (2013 61,14ta/ha) , sản lượng 624.240 tấn
Ngô: 6.600 ha, năng suất 52,5 tạ/ha, sản lượng 34.650 tấn
Rau các loại 8.800 ha, năng suất 210 tạ/ha, sản lượng 184.800 tấn
Lạc 4.400 ha, năng suất 20,5 tạ/ha, sản lượng 9.020 tấn
Đậu tương 1.500 ha, năng suất 18,5 tạ/ha, sản lượng 2.775 tấn
Sắn 800 ha, hoa cây cảnh 1.500 ha, cây khác 1.200 ha
3. Một số giải pháp trong sản xuất vụ xuân 2014
a) Cấp đủ nước cho sản xuất
Triển khai công tác kiểm tra công trình thủy lợi sau mùa mưa lũ năm 2013. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, tổ chức sửa chữa các hư hỏng công trình, nạo vét các cửa khẩu, bể hút trạm bơm; nạo vét kênh mương và làm thủy lợi nội đồng, xong trước 30/12/2013. Xây dựng và triển khai phương án phòng, chống hạn vụ Đông Xuân 2013 – 2014 cụ thể, chi tiết cho từng hệ thống công trình.
Tổ chức lấy nước trữ vào các kênh tiêu hồ đầm, ruộng trũng ngay từ đầu tháng 12/2013. Thực hiện có hiệu quả việc bơm tiếp nước từ sông Đà vào sông Tích, từ sông Hồng vào sông Đáy, sông Thiếp – Ngũ Huyện Khê, sông Cà Lồ cụt… Đối với các khu vực tưới bằng hồ chứa cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, có kế hoạch sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nước tưới cho cây vụ đông để giành nước cho vụ xuân. Theo dõi thường xuyên thông tin trong việc điều tiết các hồ thủy điện để vận hành các trạm bơm hết công suất, tranh thủ bơm nước khi mực nước các sông cao.
Nghiêm túc thực hiện sự điều hành, phân phối nước theo sự chỉ đạo chung của thành phố. Thực hiện tốt việc đưa nước phù hợp với lịch gieo cấy và chăm sóc lúa, không để lãng phí nước. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kịp thời giải quyết các khó khăn ở các vị trí trọng điểm.
b) Đột phá về cơ cấu giống cây trồng
– Đẩy nhanh lúa chất lượng cao và lúa lai đạt 55% diện tích; Lúa thơm (Bắc thơm 7, Nàng Xuân, HT1, HT9…), lúa nếp (nếp 87, nếp 97, nếp 98, nếp vàng 1…) phấn đấu đạt 35% ; lúa lai (Nhị Ưu 838, TH3-4, TH3-3, GS9…): 20%. Nhóm lúa thuần ngắn ngày, năng suất cao: Khang dân, Q5 30%; ĐB5, ĐB6, VS1, QR1,..: 10%; Nhóm lúa thuần trung ngày: Xi 23, C70, C71,…2%; giống khác 3%.
– Sử dụng các giống ngô lai F1 năng suất cao, ngắn ngày: LVN4, LVN9, NK6654, NK4300,…các giống ngô nếp: HN88, MX2, MX10, Wax44,… các giống ngô ngọt: Sugar 75, Sakita, TN801, TN115…các giống ngô rau: Pacfic 116, LVN 23…; giống đậu tương gieo trồng chủ yếu là: ĐT22, ĐT26, ĐVN5, ĐVN6…; giống lạc MD7, L14, L18, L23…
c) Thực hiện đúng thời vụ gieo trồng
Năm 2014 tiết Lập Xuân ngày 4/02 (Mồng 5 Tết), Lập Hạ ngày 05/5 (7/4 Giáp Ngọ).
* Đối với cây lúa: Không gieo cấy sớm trước thời vụ dẫn đến lúa trỗ sớm có nguy cơ gặp rét sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Hạn chế tối đa trà xuân trung (trừ những nơi có điều kiện đặc thù); mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt.
– Trà xuân trung (các giống Xi23, C70, DT10…): gieo mạ từ 20/12/2013 đến 05/01/2014, cấy từ 25/01 đến 5/02/2014 khi tuổi mạ có 3,5-4 lá.
– Trà xuân muộn (giống lúa thơm: Bắc thơm 7, Nàng Xuân, HT1, HT9,…; Giống lúa nếp: nếp 87, nếp 97, nếp 98, Nếp vàng 1,…Các giống lúa lai: Nhị Ưu 838, GS 9, TH3-4, TH3-3…; các giống: Khang dân, Q5, ĐB5, ĐB6, VS1, QR1,…): gieo mạ dược có che phủ nilon từ sau tiết Đại Hàn đến tiết Lập Xuân, tập trung từ 20/01 đến 04/02, cấy tập trung từ giữa đến cuối tháng 2.
Trong cùng một trà, các giống có thời gian sinh trưởng dài hơn bố trí đầu khung thời vụ, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí cuối khung thời vụ.
* Đối với cây màu: gieo trồng tập trung trong tháng 2, đầu tháng 3.
Ngô: Nhóm dài và trung ngày gieo xong trước 20/1; nhóm giống ngắn ngày gieo xong trong tháng 2; Đậu tương gieo xong trong thời gian từ 10/02 đến trước 05/03; Lạc: gieo xong trước 15/02;
d) Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh
– Kiểm tra chất lượng giống, khả năng nẩy mầm trước khi gieo cấy; chỉ sử dụng hạt giống có chất lượng từ cấp xác nhận trở lên.
– Gieo mạ dầy súc, chống rét cho mạ bằng che phủ nilon đạt 100% diện tích.
– Tăng cường ứng dụng máy cấy lúa, gieo thẳng ở những nơi chủ động tưới tiêu.
– Mở rộng ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI): cấy 1 dảnh, cấy thưa 25-35 khóm/m2, cấy mạ non, xúc mạ cấy để hạn chế tổn thương bộ rễ; bón phân cân đối, hợp lý, trọng tâm là giảm lượng đạm, sử dụng phân bón NPK đa yếu tố, phân bón chuyên dùng; rút kiệt nước khi lúa đã đẻ đủ số nhánh cần thiết và khi chín, phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp IPM đạt trên 50 nghìn ha…
– Những diện tích không trồng cây vụ đông cần sớm cầy lật đất để ải, vệ sinh đồng ruộng hạn chế nguồn sâu bệnh.
– Những diện tích không chủ động nước tưới cần chuyển sang cây trồng cạn như: ngô, đậu tương, lạc, rau màu các loại…
– Mở rộng vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên cơ sở dồn điền đổi thửa, áp dụng giống mới, cơ giới hóa, theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn gắn với liên kết 4 nhà, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao.
e) Coi trọng công tác phòng trừ sâu bệnh
Thư¬¬ờng xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại, làm tốt công tác dự tính, dự báo và có biện pháp tổ chức phòng trừ kịp thời.
Tổ chức tuần lễ diệt chuột tập trung vào cuối tháng 3, diệt trừ ốc bươu vàng vào thời điểm trước và ngay sau khi cấy.
4. Tổ chức thực hiện
a) Sở Nông nghiệp & PTNT giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc: Chi cục Thủy lợi, Chi cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng,..: tăng cường cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của cấp huyện, các cơ sở, các doanh nghiệp. Tham mưu xây dựng phương án phòng chống hạn, các giải pháp chỉ đạo chống hạn, cấp đủ nước cho sản xuất. Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Triển khai thực hiện các chương trình, đề án: Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, Đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao, Đề án phát triển hoa, cây cảnh giá trị kinh tế cao, Đề án phát triển chè an toàn… Đào tạo, tập huấn nông dân thực hiện các chương trình, đề án, kỹ thuật sản xuất. Xây dựng thực hiện các khảo nghiệm, mô hình trình diễn giống mới, thâm canh lúa cải tiến, cơ giới hóa nông nghiệp…Chủ động điều tra phát hiện sâu bệnh hại, làm tốt công tác dự tính dự báo sâu bệnh; thông báo, hướng dẫn, phân công cán bộ phụ trách, chỉ đạo cơ sở chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
b) UBND các quận, huyện, thị xã: thành lập ban chỉ đạo sản xuất, chống hạn vụ xuân 2014. Phân công cụ thể các thành viên phụ trách các nhiệm vụ cụ thể, phụ trách các cơ sở. Tăng cường cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đảm bảo đủ giống, vật tư và các điều kiện chủ yếu cho sản xuất. Chủ động cân đối ngân sách để hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác mới (SRI), cơ giới hóa nông nghiệp, khảo nghiệm trình diễn giống lúa, rau, màu mới, diệt chuột, ốc bươu vàng, hỗ trợ thuốc sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh cho phát triển rau an toàn; nhất là hỗ trợ các hộ nghèo, khó khăn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng (ngoài các nội dung, địa điểm thành phố hỗ trợ). Thường xuyên tổng hợp tình hình chỉ đạo sản xuất báo cáo về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
c) Các doanh nghiệp thủy lợi, nông nghiệp: xây dựng phương án, kế hoạch chống hạn, cấp đủ nước; cung ứng kịp thời, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng giống, vật tư cho sản xuất. Các doanh nghiệp thủy lợi có kế hoạch tưới, hợp đồng cụ thể với cơ sở, thường xuyên thông báo cho các cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các huyện điều hành nước chống hạn, đổ ải, tưới dưỡng…
d) Điện lực Hà Nội: đề xuất với thành phố củng cố, xây dựng trạm biến áp, đường dây tải điện và chuẩn bị các điều kiện cung cấp đủ điện cho bơm nước và phối hợp với ngành nông nghiệp để cấp đủ nước cho sản xuất vụ xuân 2014.
đ) Các ngành, đoàn thể liên quan: tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời chủ trương, chính sách, phương án, kế hoạch của thành phố, cấp huyện và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất vụ xuân để nhân dân biết, thực hiện.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, đoàn thể có kế hoạch tổ chức chỉ đạo, vận động nhân dân chống hạn, thực hiện các giải pháp kỹ thuật sản xuất./.
Nguồn: http://sonnptnt.hanoi.gov.vn