Quy trình hệ thống thâm canh lúa cải tiến năm 2012
I. Thời vụ:
+ Vụ Xuân sớm: Gieo mạ 5 – 15/12
+ Vụ Xuân muộn: Gieo mạ 10 – 20/1
+ Hè thu chạy lụt: Gieo mạ 25/4 – 5/5
+ Hè thu thâm canh: Gieo mạ 10 – 20/5
– Thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT, phòng NN huyện
II. Giống: Sử dụng giống lúa theo đề án sản xuất Sở NN&PTNT, phòng NN huyện
III. Kỹ thuật thâm canh ruộng mạ
1. Lượng giống và kỹ thuật ngâm ủ:
a. Lượng giống:
– Để cấy cho 1 ha lúa cần chuẩn bị từ 100 – 160 m2 đất gieo 10 – 16 kg hạt giống (0,1 kg hạt giống gieo trên 1m2 đất ) hay để cấy cho 1 sào (500m2) lúa cần chuẩn bị từ 5 – 8 m2 đất và 0,5 – 0,8 kg hạt giống.
b. Kỹ thuật ngâm ủ
– Trong điều kiện cho phép trước khi ngâm ủ phơi nắng nhẹ 2 – 3 giờ (không phơi sân gạch quá nóng dễ làm chết mầm) phơi nong, nia..vv..
– Loại lép lửng (chỉ áp dụng đối với lúa thuần) dùng 10 lít nước + 2,3 kg muối hoà tan (nước muối 23%) sau đó cho trứng gà mới đẻ vào, trứng nổi lơ lửng lập lờ đồng xu là được, nếu trứng chìm cho muối tiếp khi trứng nổi lên; cho lúa vào khuấy nhanh loại lép lửng nổi lên, sau đó rửa sạch hạt chắc cho vào xử lý bằng 1 trong các cách sau:
* Xử lý 3 sôi 2 lạnh
– Vụ xuân: Lúa thuần thời gian ngâm 40 – 48 giờ
– Vụ thu mùa: Lúa thuần 36 – 40 giờ;
+ Giống liền vụ 50 – 60 giờ.
b. Xử lý nước vôi trong (2%).
– 10 lít + 200g vôi bột hoà tan lóng lấy nước trong cho lúa ngâm 10-12 giờ sau đó thay và rửa nước sạch cho ngâm đến no nước để ráo đưa vào ủ. Tỷ lệ ngâm lúa giống 1:3 (1 kg thóc giống: 3 lít nước).
– Vụ Đông Xuân ủ đến khi mầm dài bằng 1/2 hạt và rễ dài bằng hạt thì đem gieo.
– Vụ Hè Thu thì hạt nứt nanh là đem gieo được.
2. Làm mạ ruộng:
– Vụ Hè Thu: Mùa nên chọn đất cao dễ thoát nước, tránh úng ngập khi mưa lớn.
– Vụ Đông Xuân nên chọn đất vàn, vàn trũng dễ tưới nước để ruộng mạ luôn đủ ẩm và tránh rét cho mạ.
– Làm đất phải đảm bảo nhuyễn bùn, luống rộng từ 1 – 1,2m, rãnh rộng 20 – 30 cm, sâu 10 – 25 cm, mặt luống phẳng không đọng nước.
– Phân bón 100m2 mạ: 4 – 5 kg Supe Lân (không nên bón phân chuồng, đạm cho mạ ).
– Kỹ thuật gieo: phải gieo hạt giống đã nảy mầm thật đều trên mặt luống.
– Vụ Đông Xuân dùng nilon che phủ để chống rét cho mạ. luôn giữ cho mặt luống đủ ẩm, không giữ nước trên mặt luống.
3. Làm mạ trên nền đất cứng.
Lấy bùn ở ruộng lúa hoặc ruộng màu (không nên lấy bùn ao, kênh mương có nước thải sinh hoạt) rãi thành luống trên nền đất cứng hoặc sân gạch có độ dày từ 3 – 4cm, luống rộng từ 1 – 1,2m, mặt luống phẳng.
Lượng giống gieo, phân bón, chăm sóc, che phủ nilon như ở ruộng mạ.
IV. Kỹ thuật thâm canh ruộng cấy.
1. Làm đất: Cày bừa kỹ, ruộng nhuyễn bùn, sạch cỏ, mặt ruộng phẳng, ruộng để lắng bùn 1 – 2 ngày (tuỳ theo loại đất). Làm luống rộng 2 m, rãnh rộng 20 – 30cm, sâu 15 – 20cm, rãnh chung cách bờ 1 mét.
2. Kỹ thuật cấy (đặt).
– Tuổi mạ cấy từ 2 – 3 lá, tốt nhất là mạ 2 – 2,5 lá.
– Mật độ: 25 – 30 khóm/m2, cấy 1 dảnh/khóm.
* Lưu ý: Mật độ cấy có thể thay đổi theo tuổi mạ, chân đất, khả năng rút nước khi cấy.
– Mạ khi cấy phaỉ hạn chế tổn thương bộ rễ: Dùng xẻng xúc nhẹ thành từng miếng, quá trình vận chuyển mạ ra ruộng cấy phải đảm bảo tránh dập nát. Mạ xúc cẩn thận đem đi cấy trong ngày, dùng tay tách từng cây mạ đặt nhẹ lên mặt ruộng tuyết đối không được nhổ mạ cấy vào những ngày nhiệt độ dưới 150C.
3. Phân bón: Bón cân đối N, P, K: Bón đúng cách, đúng thời điểm cây lúa cần.
– Phân chuồng hoai mục: 400-500kg/sào, bón lót 100% trước khi bừa lần cuối.
– Phân Lân: 20 – 25 kg/sào. bón lót 100% trước khi bừa lần cuối.
– Phân Đạm: 6-8kg/sào (Giảm trung bình khoảng 30% lượng đạm theo tập quán)
+ Bón lót: Trước khi bừa lần cuối, lượng bón 30%.
+ Bón thúc đẻ nhánh: Sau khi cấy 10 – 20 ngày vụ xuân, 5 – 10 ngày vụ Hè Thu – Mùa, lượng bón 50%.
+ Thúc phân hoá đòng (đứng cái – TKSK): Sau cấy khoảng 45 – 50 ngày vụ Đông Xuân và 35 – 40 vụ Hè Thu – Mùa phải xem màu sắc lá lúa để quyết định lượng cần bón.
– Phân Kali: Lượng bón 6 – 8kg Kali Clorua/sào. Bón lót hoặc thúc đẻ nhánh 50%, bón thúc phân hoá đóng 50%
4. Điều tiết nước
a) Giữ nước:
– Lần 1: Từ khi cấy đến sau khi bón thúc đẻ nhánh 5 – 7 ngày, kết hợp làm cỏ sục bòn, trừ cỏ, giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 2 cm.
– Lần 2: Từ khi lúa phân hoá đòng (đứng cái) đến khi lúa chín sáp (chắc xanh) hay trước khi thu hoạch 15 ngày giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 3 – 5cm.
b) Rút nước:
– Lần 1: Sau khi bón thúc đẻ nhánh, làm cỏ sục bùn từ 5 – 7 ngày đến khi lúa phân hoá đòng (đứng cái). Rút kiệt nước, để ruộng cạn liên tục ở mức độ nẻ (nghĩa là đủ ẩm cho lúa, đi vào ruộng chỉ hơi lún, đất không bị lấm chân). Nếu ruộng khô mặt thì tưới đủ ẩm (tưới rãnh) không giữ nước trên mặt ruộng.
Lần 2: Từ khi lúa chín sáp (chăc xanh) hay trước thu hoạch 15 ngày đến khi thu hoạch. Rút kiệt nước để cho ruộng nứt nẻ (đi vào không lún chân).
V. Phòng trừ sâu bệnh.
Thăm đồng thường xuyên, làm cỏ – trừ cỏ kịp thời, phòng trừ sâu bệnh theo kết quả phân tích đồng ruộng (phân tích hệ sinh thái).
a. Bệnh đạo ôn
– Triệu chứng: Vết bệnh ban đầu là 1 chấm nhỏ trên lá có màu nâu nhạt hoặc xám tro sau đó lan rộng ra thành hình thoi có màu xám hoặc xám tro, xung quanh vết bệnh có màu nâu, ngoài cùng thịt lá bị biến vàng, khi bệnh nặng có nhiều vết liên kết với nhau thành từng đám lá bị cháy lụi.
Trên cổ bông cổ dé vết bệnh màu nâu xám, phát triển quanh cổ bông làm cho cổ bông lúa bị khô tóp lại.
– Biện pháp phòng trừ: Thực hiện phòng trừ tổng hợp IPM, bón phân cân đối cấy đúng mật độ, không bón đạm lai rai, bón theo quy trình kỹ thuật
– Kiểm tra thường xuyên khi bệnh xuất hiện ngừng bón đạm, ruộng không để khô nước. Khi có 5-7% số lá bị hại dùng 1 trong các loại thuốc sau để phun theo liều khuyến cáo ngoài bao bì nhãn mác thường phun theo liều lượng nh sau:
– BEAM 75WP với lượng 13-15g + 30 lít nước phun 1 sào
– FuJiONE với lượng 50ml + 30 lít nước phun 1 sào.
Nếu bị Đạo ôn trên lá trước trổ 5-7 ngày phun loại thuốc trên phòng đạo ôn cổ bông.
b. Bệnh khô vằn
– Triệu chứng: Vết bệnh ban đầu màu xám nhạt hìmh dạng không rõ rệt, giữa vết bệnh có màu trắng xám hoặc nâu bạc dạng vằn hổ. Bệnh hại nặng lá lúa khô vàng ngẹn đòng không trổ thoát, hạt lép lửng.
– Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, cấy đúng mật độ, bón phân cân đối, không bón đạm muộn với lượng quá cao.
Điều tra có tỷ lệ bệnh 7-10% số dảnh bị nhiễm phun một trong các loại thuốc sau để phun theo liều khuyến cáo ngoài bao bì, nhãn mác, thường phun theo liều lượng như sau: Valiđamicin 5L lượng 60-70ml + 30 lít nước phun 1 sào, Jinggangmeisu 25 – 30g pha 30 lít nước phun 1 sào
c. Bệnh bạc lá do vi khuẩn
– Triệu chứng: Xuất hiện trên phiến lá từ mép ngọn lá vào sau đó lan vào giữa, khi mới xuất hiện, vết bệnh có màu xanh đậm. Gặp nắng nóng héo vàng tế bào chết tạo thành màu trắng xám, vết bệnh hình gợn sóng. Sáng sớm trên vết bệnh có giọt dịch màu trắng đục khi khô có màu nâu vàng, hoặc nâu. Khi bệnh hại nặng lá khô bạc toàn bộ.
– Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng kết hợp bón phân cân đối, gieo cấy đúng lịch thời vụ.
Sử dụng một trong các loại thuốc hoá học sau để phun với liều lượng được khuyến cáo ngoài bao bì, nhãn mác , thường phun với liều lượng nh sau:
– Sasa 20 WP 75g thuốc + 30 lít nước/ sào
– Xanthomix 20WP 60 – 70 gam pha 30 lít nước
d. Rầy nâu: Thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm các ổ rầy ngay từ đầu vụ khi có mật độ 8 – 10 con/khóm ở thời kỳ làm đòng, 17-25 con/khóm thời kỳ lúa trổ, dùng 1 trong các loại thuốc sau để phun theo liều khuyến cáo ngoài bao bì, nhãn mác, thường phun liều lượng như sau:
– Bassa 50 EC: 50 – 60ml thuốc + 30 lít nước phun 2 sào
– Regent: 2g thuốc + 30 lít nước phun 1 sào lúa khi phun chia ruộng thành băng để phun.
e. Sâu đục thân: Phá hoại từ lúa đẻ nhánh đến trổ. Giai đoạn đẻ nhánh: Ngắt dảnh héo, ổ trứng, chăm sóc tốt lúa đến bù không phun thuốc
– Biện pháp phòng trừ: Giai đoạn lúa làm đòng, trổ khi có mật độ ổ trứng 0,5 ổ trứng/ m2 dùng Padan 95% với lượng 30 – 35 gam pha 30 lít nước phun 1sào.
– Regent: 2g thuốc + 30 lít nước phun 1 sào
g. Bọ xít dài: Tập trung trên bông lúa, chích hút làm hạt lúa lép đen, chất lượng gạo kém.
– Biện pháp phòng trừ: Gieo trồng đúng thời vụ, khi có mật độ 10-20 con/m2 dùng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ: Padan 95%, Regent theo liều khuyến cáo ngoài bao bì nhãn mác thờng phun với lượng như sau: Regent 2 gam pha 30 lít nước pha 1 sào. Padan lượng 30 – 35g + 30 lít/ 1sào.
h. Sâu cuốn lá nhỏ:
– Biện pháp phòng trừ: Chỉ đạo gieo trồng tập trung, đúng quy trình kỹ thuật, không nên bố trí nhiều giống có thời gian sinh trưởng khác nhau trên cùng một cánh đồng.
– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chú ý giai đoạn lúa ôm đồng trở đi, thời kỳ lúa con gái có mật độ trên dới 50 con/ m2 tiến hành phòng trừ. Thời kỳ lúa ôm đồng – trổ có mật độ trên 20 con/m2 có khả năng gây hại đến lá công năng, lá đồng thì dùng một trong những loại thuốc sau: Regent 800WP, Padan 95WP…phun theo liều khuyến cáo.
* Chú ý phải tiến hành phun sớm khi sâu chủ yếu trên đồng ở tuổi một mới có hiệu quả cao. Trường hợp phát hiện muộn sâu tuổi 3 trở đi chỉ dùng thuốc Regent 800WP.
VI. Thu hoạch:
– Lúa làm giống cần thu hoạch khi lúa chín 80 – 85% chọn ngày nắng ráo thu hoạch (đối với lúa thuần).
– Lúa ăn thu hoạch khi lúa chín > 90%, phơi khô độ ẩm còn dưới 13,5% là được. Trong trường hợp thu hoạch về chưa phơi được ngày gặp trời mưa thì cần rải mỏng để thóc không bị nảy mầm.