Cập nhật: ngày 22/9/2016
Ngày 22/9/2016, Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối và Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp” tại Hà Nội.
Chủ trì hội thảo: TS. Lê Văn Bảnh – Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, TSKH Bạch Quốc Khang, PGS. TS Chu Văn Thiện.
Dự hội thảo có nguyên thứ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng, Nguyễn Đăng Khoa; ông Tăng Minh Lộc – Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Đại diện Cục CB NLTS và NM, Đại diện Cục Trồng trọt, Vụ khoa học công nghệ – Bộ Nông nghiệp và PTNT; Đại diện Văn phòng Điều phối NTM TW; Đại diện Bộ Công Thương; Đại diện Chương trình KHCN phục vụ XD NTM; Viện Cơ điện nông nghiệp và CNSTH; Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh: Hòa Bình; Sơn La, Tuyên Quang; Vĩnh Phúc; Nam Định; Thái Bình; Thanh Hóa, Nghệ An; Hà Nội; Hải Dương; Sở Công thương các tỉnh: Hà Nội, Nghệ An, Nam Định; Đại diện Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam; Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); Công ty TNHH máy kéo và máy nông nghiệp; Công ty TNHH máy nông nghiệp và khuyến nông Hà Nội (HAMCO).
Hội thảo đã chỉ rõ và đánh giá đúng thực trạng trang bị máy động lực và máy nông nghiệp, những nguyên nhân, hạn chế và xu hướng cơ giới hóa của nông nghiệp Việt Nam, xác định Năng lực thiết kế, chế tạo và lắp ráp và thị phần của máy nông nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
1. Đánh giá thực trạng trang bị máy động lực và máy nông nghiệp
a. Một số số liệu điều tra, thống kê và đánh giá về mức độ trang bị CGH
Tổng trang bị động lực di động (máy kéo các loại – đại diện cho sức kéo CGH sản xuất nông nghiệp) tăng khá nhanh, hiện nay có trên 10,5 triệu mã lực, với tổng số 532.579 máy kéo các loại, trong đó có 16.717 MK lớn; 221.293 MK cỡ trung và 294.569 MK nhỏ 2 bánh. Bình quân có khoảng 40,48 Hp/100 ha đất canh tác và 62,46 HP/100 hộ nông nghiệp.
Tách ra cho 7 vùng thấy rằng: mức bình quân động lực trên 100 ha và 100 hộ NN giữa các vùng chênh lệch nhau khá nhiều, phản ánh mật độ và hiệu quả của trang bị động lực. Ở những vùng có tỷ lệ CGH làm đất cao nhất cả nước như ĐBSH và ĐBSCL, thì mức trang bị công suất trên 100 hộ NN lại chỉ ở mức trung bình. Chứng tỏ, trang bị động lực ở 2 vùng này rất hiệu quả, nhờ dịch vụ CGH phát triển, nên khai thác tốt hơn năng lực công suất của các máy kéo. Ngược lại, ở TDMNPB, nhờ chính sách hỗ trợ và số dân ít, nên mức trang bị động lực trên 100 hộ NN cao hơn, nhưng tỷ lệ CGH làm đất ở đây thấp nhất cả nước.
b. Một số nhận định chung về cơ giới hóa nông nghiệp nước ta
(1) Cơ giới hóa nông nghiệp nước ta được khởi đầu theo các tiền đề khác nhau ở miền Bắc và miền Nam vào giữa thế kỷ XX; đều bị gián đoạn và bỏ lỡ cơ hội phát triển trong những năm 90 cuối thế kỷ XX.
(2) Cơ giới hóa nông nghiệp nước ta có bước phát triển khá nhanh trong những năm gần đây, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của thực tế, chưa thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, mùa vụ tập quán và quy trình canh tác…
(3) Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp còn thấp hơn một số nước trong khu vực, đa phần là cỡ nhỏ, hiệu quả chưa cao.
(4) Tỷ lệ cơ giới hóa còn chênh lệch giữa cây lúa và các cây trồng khác, khiến khả năng canh tranh của nông sản nguyên liệu (mía, ngô, sắn, rau củ…) bị hạn chế.
(5) Mức độ cơ giới hóa không đồng đều giữa các vùng miền, địa bàn, còn rất thấp ở những vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, khu vực nhà vườn, sản xuất hộ nhỏ, khiến năng suất lao động, năng suất nông nghiệp chung của cả nước còn thấp.
(6) Tỷ lệ cơ giới hóa một số khâu tuy cao, nhưng nhiều loại máy móc còn kém phù hợp, trình độ trang bị, công nghệ, kỹ thuật canh tác còn thấp, hiệu quả chưa cao
(7) Cơ giới hóa các khâu sau thu hoạch còn thấp, tổn thất giảm chưa được nhiều.
(8) Máy, thiết bị dùng trong nông nghiệp có nhiều xuất xứ phức tạp, đa dạng; hệ thống bảo dưỡng, sửa chữa chưa phát triển; hiệu quả sử dụng bị hạn chế.
(9) Công tác quản lý chất lượng máy nông nghiệp bị buông lỏng, thị trường cạnh tranh chưa lành mạnh; nông dân thiếu thông tin…
c. Một số nguyên nhân hạn chế của cơ giới hóa nông nghiệp nước ta
(1) Nhận thức, chủ trương, đường lối, bước đi của CGH nông nghiệp nước ta chưa theo kịp yêu cầu của sản xuất. Còn có những vấn đề về chính sách của Nhà nước. Sự hỗ trợ của Nhà nước chưa có đột phá, còn lắt nhắt, chắp vá.
(2) Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; các hộ nông dân nhỏ vẫn là chủ thể sản xuất chính; quá trình tích tụ ruộng đất chậm.
(3) Điều kiện tự nhiên, địa hình đồng ruộng rất phức tạp, đa dạng và khác biệt lớn giữa các vùng miền.
(4) Quy trình sản xuất còn lạc hậu, chưa đồng bộ, tập quán canh tác cũ còn ảnh hưởng, có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền, cây, con.
(5) Tổ chức sản xuất của nông dân chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu liên kết và chuyên môn hóa trong sản xuất hàng hóa lớn.
(6) Khả năng đầu tư của chủ thể sản xuất cho CGH còn hạn chế.
(7) Chưa giải quyết được vấn đề lao động dư thừa nông thôn lúc nông nhàn, chưa hút được lao động nông thôn ra khỏi sản xuất mùa vụ một cách ổn định.
(8) Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa phát triển đồng bộ.
(9) Hạn chế về máy móc, kỹ thuật. Công nghiệp cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước chậm phát triển, khả năng cạnh tranh yếu.
(10) Hạn chế về nhân lực cơ khí nông nghiệp, trong khi công tác đào tạo gặp nhiều rào cản, khó tháo gỡ.
2. Năng lực thiết kế, chế tạo và lắp ráp của các doanh nghiệp trong nước
– Về năng lực thiết kế: hơn 50 % các doanh nghiệp chế tạo thiết kế sản phẩm máy và thiết bị bằng thủ công, chỉ có ít cơ sở mua phần mềm thiết kế tiên tiến (7%) và dùng phần mềm thiết kế là 43% (phần mềm không chính thống).
– Về năng lực chế tạo: Chỉ có 3,4% các doanh nghiệp chế tạo có năng lực chế tạo loạt lớn, loạt vừa là 40%, còn lại là đơn chiếc và loạt nhỏ.
– Về năng lực lắp ráp: 89% lắp ráp thủ công đơn lẻ, còn lại là dây chuyền bán tự động. Không có cơ sở điều tra nào có dây chuyền lắp ráp máy và thiết bị tự động.
Nhận xét
a. Những kết quả đã đạt được:
+ Máy động lực, máy kéo: Đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ diesel công suất đến 30 mã lực (HP); năng lực 40.000 chiếc/năm, chiếm khoảng 30% thị phần trong nước (Chủ yếu do Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam-VEAM – Bộ Công Thương).
+ Máy liên hợp thu hoạch lúa: Trong nước có 15 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp: Tư Sang 2 ở Tiền Giang; Cơ sở Phan Tấn ở Đồng Tháp, Cơ khí An Giang có công suất đáp ứng khoảng 1.000 chiếc/năm.
+ Máy tuốt lúa: Ở phía Bắc tập trung chủ yếu ở 3 cơ sở sản xuất máy tuốt lúa liên hoàn (Xuân Trường – Nam Định) có khả năng chế tạo 6.000 chiếc/năm.
+ Máy xay xát lúa gạo: Trên 90% do các doanh nghiệp trong nước chế tạo. Điển hình các công ty: Bùi Văn Ngọ, SINCO, LAMICO…đạt trình độ công nghệ tiên tiến, các dây chuyền xát lúa gạo, đánh bóng năng suất: 4 ÷ 48 tấn/giờ, các loại máy sấy năng suất: 30 – 200 tấn/mẻ. Sản phẩm của các doanh nghiệp này đã xuất khẩu Đông Nam Á, Châu Mỹ, Châu Phi…
+ Máy chế biến cà phê: Trong những năm gần đây đã sản xuất chế tạo được các thiết bị chế biến cà phê cung cấp hơn 80% khối lượng cho nhu cầu thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu đến các nước khu vực Đông Nam Á, các nước Châu Mỹ, Châu Phi… Trong đó, điển hình có Công ty cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang. Tuy nhiên, máy và thiết bị chế biến cafe tinh sâu phần lớn vẫn còn nhập khẩu.
+ Máy chế biến khác: Đã chế tạo được hệ thống thiết bị chế biến mủ cao su; hệ thống ươm tơ cơ khí, guồng lại tơ cỡ 5-30 tấn/năm, chế biến thức ăn chăn nuôi, thiết bị cho nhà máy đường. Ngoài các cơ sở sản xuất cơ khí chuyên ngành như Cơ khí Chè, Cơ khí Cao su… các Công ty Cơ khí Hà Nội, Cơ khí Cẩm Phả… cũng tham gia chế tạo phụ tùng và thiết bị chế biến nông sản.
b. Những tồn tại, hạn chế:
Ngành cơ khí nói chung và công nghiệp chế tạo máy và thiết bị dùng trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản nói riêng của nước ta hiện nay vẫn là quy mô nhỏ, trình độ phát triển còn thấp, máy móc thiết bị phục vụ cho chế tạo còn lạc hậu, tỷ lệ đổi mới thấp, năng lực tư vấn, thiết kế yếu, chủ yếu là gia công, lắp ráp, tỷ lệ sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao còn thấp, khả năng cạnh tranh còn yếu; nguồn lực có hạn nhưng đầu tư còn dàn trải; hai lĩnh vực tạo phôi và công nghiệp phụ trợ chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; đóng góp của ngành vào đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng tỷ trọng chế biến sâu, giá trị gia tăng của các ngành kinh tế khác còn hạn chế. Hiện tại, tỷ lệ sản phẩm máy và thiết bị dùng trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản trong nước có hàm lượng công nghệ cao còn thấp, chưa có các cơ sở công nghiệp tiên tiến đủ năng lực thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao. Một vấn đề còn tồn tại, hạn chế nữa đối với các cơ sở chế tạo máy và thiết bị dùng trong sản xuất, bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản đó là mạng lưới hệ thống các dịch vụ bảo hành và sửa chữa vẫn đang còn thiếu và hạn chế, người mua khi sử dụng máy nếu xảy ra hư hỏng thì chủ yếu là tự sửa vì không có trạm sửa chữa tại địa phương.
Theo thị phần thị trường máy móc nông nghiệp thì các sản phẩm nhập khẩu từ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… chiếm con số áp đảo lên tới gần 70%, trong khi đó các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm ít ỏi từ 15 – 20%. Có một số loại máy tỷ lệ này lên tới trên 90%.
Nguyễn Đức Bản