Cập nhật: 27/10/2012
Nhằm tận dụng lượng rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch lúa mùa, Chi cục BVTV Hà Nội giới thiệu kỹ thuật trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu
1. Đất trồng khoai:
Chọn chân đất chủ động tưới tiêu, đất sau khi thu hoạch lúa mùa không cày, thu gom rơm rạ vào thành đống gọn ở góc ruộng. Đến thời vụ trồng khoai tiến hành cày thành luống, chiều rộng luống 1,3 – 1,4m. Cày 2 đường (đường đi đường về) để tạo thành luống và cày một đường xung quanh ruộng để tạo thành rãnh thoát nước.
2. Chuẩn bị vật liệu che phủ:
Vật liệu che phủ bằng rơm, rạ, cỏ, bèo,… vật liệu được thu gom để thành đống ở góc ruộng, rơm không phải phơi mà để gọn thành đống làm vật liệu che phủ cho khoai (2-3 sào rơm phủ cho 1 sào khoai tây).
3. phân bón:
– Chuẩn bị phân hữu cơ: Phân chuồng hoặc phân gà được ủ hoai mục.
– Lượng phân bón cho 01 sào bắc bộ (360m2):
+ Phân chuồng 600 kg hoặc phân gà 300 kg.
+ Phân Super lân 20 kg.
+ Phân Urea 10 kg.
+ Phân Kaly clorua 10 kg.
– Thời gian và phương pháp bón:
Loại phân | Tỷ lệ (%) | Thời gian bón | Cách bón |
Phân chuồng | 100 | Khi trồng | Trộn đều phân chuồng với phân lân và rải đều ở giữa 2 hàng củ giống |
Phân Super lân | 100 | Khi trồng | |
Phân Urea | |||
Lần 1 | 10 | Khi khoai mọc đều | Hoà nước tưới |
Lần 2 | 20 | Sau lần 1: 7-10 ngày | Hoà nước tưới cùng phân kaly |
Lần 3 | 25 | Sau lần 2: 7-10 ngày | |
Lần 4 | 30 | Sau lần 3: 7-10 ngày | |
Lần 5 | 15 | Sau lần 4: 7-10 ngày | Hoà nước tưới |
Phân kaly | |||
Lần 1 | 20 | Cùng lần 2 phân Urea | Hoà nước tưới cùng phân Urea |
Lần 2 | 30 | Cùng lần 3 phân Urea | |
Lần 3 | 50 | Cùng lần 4 phân Urea |
4. Thời vụ trồng khoai vụ đông:
– Vụ sớm: Trồng từ 20-30/10.
– Vụ trung: Trồng từ 01-10/11.
– Vụ muộn: Trồng từ 10-20/11.
5. Lượng giống: 40-60 kg/sào bắc bộ tuỳ theo cỡ củ.
6. Kỹ thuật trồng:
– Trồng 2 hàng/luống.
-Khoảng cách trồng: Đặt củ giống trên mặt luống cách mép luống 25 cm; củ cách củ 25 cm; sau khi đặt củ giống dùng một ít đất bột phủ lên trên củ giống. Sau khi bón phân chuồng dùng rơm rạ phủ kín mặt luống dày từ 3-4 cm.
7. Chăm sóc:
– Thường xuyên giữ ẩm ruộng khoai, nếu đất khô tiến hành tưới nước vào các rãnh để nước theo kẽ nẻ tự thấm vào đất và hết nước ở rãnh.
Chú ý không tưới nước ngập trên mặt luống; nếu ruộng có nước phải tháo kiệt không để nước ở rãnh luống.
– Sau trồng 75 ngày về sau không được tưới nước cho khoai.
– Sau trồng 30-35 ngày dùng rơm rạ hoặc bèo tây phủ bổ xung kín mặt luống với độ dày 6-7 cm.
– Dùng đất cày làm rãnh đè lên rơm rạ cho rơm rạ không bị bay.
8. Phòng trừ sâu bệnh:
– Khi khoai mọc đều tiến hành làm bả chua ngọt, cắm 7-10 bả/sào để diệt trưởng thành sâu khoang; nếu bả khô cần bổ xung thêm dung dịch của bả.
– Thường xuyên theo dõi đồng ruộng đặc biệt khoai sau trồng 45-50 ngày nếu xuất hiện bệnh sương mai và thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại phải tiến hành phun thuốc phòng trừ bệnh sương mai.
9. Thu hoạch:
Khoai sau trồng 90-95 ngày tiến hành thu hoạch; việc thu hoạch rất đơn giản, chỉ cần lật bỏ lớp rơm rạ che phủ củ khoai sẽ lộ ra và nhặt khoai; khi thu hoạch tiến hành phân loại củ ngay trên ruộng.
Nguồn: http://sonnptnt.hanoi.gov.vn