Home » TIN TỨC - SỰ KIỆN » Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới

Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 19/11/2012

Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành uỷ vừa có Thông báo số 03-TB/BCĐ truyền đạt kết luận của Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Công Soái về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, mặc dù phải tập trung thực hiện nhiều việc lớn của Thành phố, các huyện, thị xã đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành chức năng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở 19 xã điểm trong năm 2012. Đặc biệt đã tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, điển hình như các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các huyện, thị xã gặp phải không ít khó khăn do thiếu kinh phí phục vụ dồn điền đổi thửa, xây dựng giao thông, thuỷ lợi nội đồng… Việc đấu giá đất xen kẹt có nhiều vướng mắc về quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách, thị trường. Việc thực hiện các chính sách thí điểm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn theo Quyết định 16 của UBND TP còn gặp một số khó khăn do việc hướng dẫn của các Sở, ngành tham mưu cho UBND TP còn chậm. Việc xây dựng nông thôn mới tại 19 xã điểm cũng cần có thời gian để tiếp tục thực hiện và cần bổ sung, điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm thực hiện tốt kế hoạch đề ra, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan tập trung tham mưu, đề xuất giải quyết những vướng mắc về vốn; hướng dẫn thủ tục để cơ sở được ứng vốn trước đầu tư khi thực hiện các chính sách theo Quyết định số 16 của UBND TP. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc và các Sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất giải quyết những vướng mắc trong xử lý, đấu giá đất xen kẹt; hướng dẫn các huyện, thị xã nắm vững và thực hiện các quy trình, thủ tục xử lý đất xen kẹt một cách đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, phù hợp với tình hình thực tế trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Các huyện, thị xã tiến hành đánh giá công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đồng thời sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành uỷ và công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn thành phố (hoàn thành trong năm 2012).

Đối với 3 xã điểm nông thôn mới của thành phố, giao Tổ thẩm định của thành phố thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, bổ sung thêm nguồn vốn ngân sách thành phố để hỗ trợ 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí. Đố với 15 xã điểm của các huyện, thị xã, thực hiện theo tinh thần Văn bản số 7444/UBND-NNNt ngày 27/9/2012 của UBND TP về phê duyệt, điều chỉnh đề án xã điểm xây dựng nông thôn mới, giao Tổ thẩm định của thành phố thẩm định và thông báo cho UBND các huyện, thị xã làm căn cứ phê duyệt.

Về chế độ bồi dưỡng trách nhiệm hàng tháng đối với thành viên Ban Chỉ đạo, tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành uỷ trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 1961/QĐ-UBND ngày 15/4/2012 của UBND TP và phải phù hợp với quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhất trí với đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 5312/TTr/STC-NSQH ngày 30/10/2012 về việc bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thị xã kinh phí hỗ trợ xã thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội năm 2012 (500 tỷ đồng), thực hiện theo nguyên tắc: Ưu tiên cho công tác dồn điền đổi thửa, giao thông, thuỷ lợi nội đồng, sau đó mới đến giao thông thôn, xóm. Huyện được phân cấp điều hành sử dụng nguồn kinh phí này theo đúng nguyên tắc trên, ưu tiên các xã đã có khối lượng thực hiện năm 2012, các xã có hồ sơ đảm bảo, đủ điều kiện triển khai thực hiện năm 2013 và các xã tích cực triển khai thực hiện. Sở Tài chính hướng dẫn và cấp mã kịp thời để tạm ứng kinh phí thuận lợi cho các xã thực hiện. Các huyện, thị xã cần tập trung chỉ đạo các xã thực hiện đầy đủ các thủ tục để thanh quyết toán được thuận lợi, sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

UBND các huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tế có thể xem xét, giao cho phòng tài nguyên và môi trường là cơ quan thường trực chỉ đạo công tác dồn điền đổi thửa để thuận lợi về chuyên môn. Trang bị cho các cơ quan chuyên môn máy móc, phương tiện đo đạc để sử dụng chung cho việc lập dựn án các xã trên địa bàn toàn huyện, thị xã, tiết kiệm kinh phí thuê tư vấn, kỹ thuật. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện việc dồn điền đổi thửa theo quy định.

Nguồn: http://www.hanoi.gov.vn

Nổi bật

Trình tự thông quan và kiểm tra chuyên ngành đối với máy nông nghiệp nhập khẩu

Cập nhật: 04/05/2016 Theo quy định tại  Thông tư số 50/2009/TT-BNNPTNT ngày 18/8/2009 của Bộ ...